Giàn được thiết kế bởi Viện nghiên cứu khoa học và thiết kế Vietsovpetro; cơ quan giám sát cấp chứng chỉ là Đăng kiểm Việt Nam và Đăng kiểm quốc tế Lloyd’s Register; đơn vị thi công, lắp đặt là Xí nghiệp Xây lắp, khảo sát sửa chữa các công trình khai thác dầu khí Vietsovpetro và các nhàu thầu: LILAMA 18, ALPHA ECC và PVC-MS.
Ngày 25/1/2019 vừa qua, Giàn khai thác CTC1-WHP thuộc mỏ Cá Tầm, Lô 09/3-12 đã cho dòng dầu đầu tiên, với sản lượng ban đầu đạt 1.630 tấn/ngày/đêm.
Đây là dự án do tổ hợp nhà thầu gồm: Liên doanh Việt – Nga (Vietsovpetro), Tổng công ty Thăm dò và Khai thác Dầu khí (PVEP) và Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư.
Lô 09-3/12 do Vietsovpetro là Nhà điều hành theo Hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí (ký ngày 12/9/2012) giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam với Tổ hợp ba nhà thầu Vietsovpetro (55%), PVEP (30%) và Bitexco (15%).
Tổng diện tích gần 6.000 km2, độ sâu nước biển từ 15 đến 60m, thuộc bồn trũng Cửu Long, là phần diện tích hoàn trả của Liên doanh VRJ từ năm 2009, nằm cách TP Vũng Tàu 160km về hướng Đông Nam, rất gần các mỏ dầu Rồng, Gấu Trắng, Bạch Hổ mà Vietsovpetro đang khai thác (khoảng 15 – 20 km).
Giàn CTC1-WHP được kết nối với hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Vietsovpetro tại Lô 09-1, nhằm tận dụng các cơ sở hạ tầng sẵn có trên biển của Vietsovpetro, mang lại nhiều lợi nhuận cho tổ hợp nhà thầu.
Theo kết quả tính toán, việc khai thác mỏ Cá Tầm sẽ có hiệu quả kinh tế đến hết năm 2032, đóng góp đáng kể nguồn thu cho ngân sách Nhà nước và lợi nhuận đáng kể cho Vietsovpetro, PVEP và BITEXCO.
Việc giàn CTC1-WHP mỏ Cá Tầm được đưa vào vận hành khai thác đúng theo kế hoạch là quyết tâm rất lớn của Tổ hợp nhà thầu Vietsovpetro – PVEP – Bitexco trong điều kiện thời tiết không thuận lợi và gặp nhiều khó khăn bất cập, nhất là về cơ chế tài chính.
Đây cũng là cơ sở để Vietsovpetro tiếp tục duy trì ổn định sản lượng khai thác trong năm 2019 và tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí ra các lô mới trong những năm tiếp theo.
TẠP CHÍ NĂNG LƯỢNG VIỆT NAM